1- Ủ nguyên liệu
Nguyên liệu chính cho sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu là mùn cưa và rơm rạ.
- Mùn cưa được chọn từ các loại cây có mủ như keo, cao su, mít, sung.. phù hợp cho nấm sinh trưởng. Không dùng mùn cưa của các loại gỗ cứng hoặc gỗ có dầu vì sẽ làm chết nấm hoặc không tăng trưởng được
- Mùn cưa được tập kết tại nhà máy và ủ trộn với nước vôi trong vòng 3 tháng. Sau 3 tháng, các sợi gỗ sẽ bị mục, trở nên tơi xốp và phù hợp làm thức ăn cho nấm sinh trưởng
- Rơm rạ được tập kết sau các vụ thu hoạch lúa và đánh đống. Rơm rạ được ủ và được xử lý phù hợp với từng loại nấm và thời vụ khác nhau
2- Trộn nguyên liệu
Sau thời gian ủ nguyên liệu chính trong thời gian quy định, nguyên liệu trở nên mục và tơi xốp là lúc có thể tiến hành chế biến
Nguyên liệu mùn cưa sẽ được phối trộn với các phụ liệu tự nhiên khác làm thức ăn cho nấm và tăng năng suất cho nấm như bột ngô, cám gạo, lõi ngô, than trấu…
Sau khi phối trộn, mùn cưa được sàng lại để loại bỏ những nguyên liệu to, khó phân hủy. Chỉ những hạt mùn cưa nhỏ phù hợp mới được lựa chọn cho việc trồng nấm
Rơm sẽ được đảo ủ và đánh thành luống, có thể để trồng riêng một số loại nấm như nấm rơm, nấm mỡ hoặc trộn lẫn với mùn cưa để trộn nấm sò hoặc mộc nhĩ.
3- Đóng bịch
Sau khi nguyên liệu được phối trộn với các chất dinh dưỡng, sẽ được đóng vào các túi nilon chịu nhiệt gọi là “bịch”. Bịch có thể được đóng bằng tay hoặc bằng máy để tăng năng suất. Trung bình, mỗi bịch đóng xong có tương đương 1,2- 2,0 kg nguyên liệu, tùy theo từng loại nấm.
4- Hấp bịch
Đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất. Hấp bịch được thực hiện bằng nồi hơi và nồi hấp lớn.
Hấp bịch nhằm mục đích loại bỏ những loại nấm dại, tạp chất hoặc vi sinh vật còn lại trong bịch sau khi đóng bịch mà quy trình ủ nguyên liệu không loại bỏ được.
Hấp bịch còn có tác dụng làm chín nguyên liệu, giúp cho sợi nấm nấm có thể lấy chất dinh dưỡng và phát triển thuận lợi
Thời gian hấp bịch tùy thuộc vào từng loại nấm khác nhau, có thể kéo dài từ 4-8 tiếng.
5- Cấy giống
Sau khi bịch được hấp chín, nó được để nguội trong phòng cấy giống trước khi được cấy giống.
Việc cấy giống được thực hiện trong điều kiện vô trùng, làm giảm thiểu sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc nấm có hại trong môi trường không khí tự nhiên
Để chủ động nguồn giống của mình, công ty chủ động nhân giống cấp 1, cấp 2 và cấp 3 từ giống gốc của Viện Di truyền Nông nghiệp hoặc giống nhập khẩu.
6- Ươm bịch
Sau khi bịch được cấy giống, nó sẽ được chuyển sang phòng ươm giống.Việc ươm bịch kéo dài trong thời gian từ 20-30 ngày tùy theo sự phát triển của sợi nấm.
Phòng ươm bịch được thiết kế thành dàn, để tối ưu hóa diện tích sử dụng. Phòng ươm cần thoáng mát, nhiệt độ trong phòng ươm không quá nóng hoặc quá lạnh nhằm tạo điều kiện môi trường phù hợp cho nấm phát triển.
7- Treo bịch
Sau khoảng 15-20 ngày, sợi nấm trong bịch nấm đâ có thể ăn trắng 1/2 đến 2/3 bịch. Lúc này công ty sẽ cấp cho các hộ nuôi trồng hoặc nuôi trồng trong công ty.
Bịch nấm được treo trên giàn cứng cọc bê tông và thanh tre. Mỗi dây treo khoảng 7-8 bịch. Các dây cách nhau 25-30 cm, tiện lợi cho nấm đủ ánh sáng phát triển và tiện tưới nước và thu hái
Đối với một số loại nấm, bịch nấm cũng có thể được để trên dàn thay treo
8- Chăm sóc, thu hái
Khi sợi nấm đã ăn trắng bịch thì đến lục rạch bịch nấm. Mỗi bịch nấm thông thường được rạch 7 vết và nấm sẽ mọc ra từ những vết rạch.
Hàng ngày, nấm cần được tưới nước sạch từ 1-4 lần tùy theo điều kiện thời tiết để đảm bảo độ ẩm. Lán trại cần được thiết kế phù hợp để tạo điều kiện mát mẻ vào mùa hè, mùa đông có thể che đậy bạt cho ấm. Dùng nước sạch (nước mềm) tưới cho nấm. Không dùng nước cứng hoặc nước có nhiều tạp chất để tưới nấm vì sẽ ảnh hưởng đến năng suất nấm.
Trường hợp nấm bị sâu bệnh, côn trùng, dùng các loại chất kháng sinh hữu cơ như ớt, tỏi, chanh.. nghiền nát và phun vào. Không dùng hóa chất để trừ sâu bệnh vì có thể làm chết nấm. Với những bịch nấm đã xử lý mà không loại bỏ được dịch bệnh và côn trùng sẽ được loại bỏ.
Sau khi rạch bịch khoảng 15-30 ngày là bắt đầu thu hái. Thu hái cần làm đúng quy trình để chân nấm không bị thối, tiếp tục mọc nấm. Mỗi lứa, nấm có thể được thu hoạch nhiều lần trong vòng đời 3 tháng của nó.
9- Đóng gói
Nấm tươi được đóng trong túi nilon, có hướng dẫn sử dụng để cung cấp ra thị trường.
Trọng lượng mỗi túi sẽ khác nhau tùy theo yêu cầu của khách hàng và tùy loại nấm.
Nấm tươi đóng gói tiêu chuẩn: 2,5 lạng, 5 lạng và 1 kg
Nấm khô đóng gói tiêu chuẩn : 1 lạng, 2 lạng và 5 lạng
10- Bảo quản, xuất bán
Sau khi đóng gói, nấm được bảo quản trong phòng lạnh, phòng điều hòa hoặc tủ lạnh để đảm bảo giữ tươi lâu và không bị hư hỏng.
( Theo Nấm Ngon )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét